Loại xe buýt nào 'ngầu nhất' Hong Kong?

  • 20 tháng 8 2016
Image copyrightOTHER

Ba giờ sáng, bạn đang say và ở khu vui chơi về đêm nổi tiếng, Lan Kwai Fong, ở Hong Kong. Trong túi chỉ còn 20 đô la Hong Hong (2 bảng Anh), không đủ đi taxi. Làm sao mà về nhà?

Rồi khi đi dọc phố D’Aguila đến phố Queen bạn thấy ngay cách để về: đi xe buýt mini đỏ. Bạn len vào ngồi, nhìn thấy tờ thông báo phía trên người lái xe cảnh báo sẽ phạt 300 đô la Hong Hong nếu “nôn và làm bẩn xe”. Rồi bạn nhìn thấy đồng hồ tốc độ to tướng trên trần xe, bên cạnh có lời ghi “Tốc độ tối đa là 80 km/giờ”.

Sau khi xe chuyển bánh bạn mới biết, khi chạy dọc đường Connaught đến đường hầm Cross-Harbour Tunnel, nếu tốc độ vượt 80 thì đèn báo hiệu bật và đồng hồ réo lên. Nhìn sang hành khách, ngồi trên ghế giả da, thấy họ là những người Trung Quốc đi nhậu, nhân viên nhà hàng người Tây Tạng, sinh viên Châu Âu. Ở phía sau từng ghế các quay nắm bằng nhựa để dùng khi xe rẽ nhanh ngoặt góc đường. Có dây đai an toàn nhưng ít người dùng.

Hong Kong thường nói là có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới. Thuộc địa cũ này của Anh có đội ngũ xe buýt 2 tầng lớn nhất thế giới, có 18.000 taxi, và một hệ thống tàu điện ngầm hoàn hảo và năng động, gọi là MTR. Ấy vậy mà hàng ngày hàng nghìn người vẫn chọn một trong số 1.138 xe buýt mini 16 chỗ Toyota Coaster, phía trên sơn đỏ, nổi tiếng không chỉ vì tốc độ, mà vì các lái xe kỳ cục, giá vé bất ổn định, và dễ đâm vào các xe khác.

Image copyrightOTHER

Theo Bộ Giao thông Hong Hong, trong khoảng 2005 đến 2015, xe buýt mini gây ra 12.237 tai nạn, tỷ lệ trung bình là 256 vụ đâm/1000 xe, gấp gần 20 lần của tỷ lệ này đối với xe tư nhân. “Có một lần tôi đi xe buýt từ Causeway Bay đến Shau Kei Wan, người lái xe lại đọc báo,” nhà thiết kế công nghiệp Danny Fang nói. “Điều lạ là tôi là người duy nhất nhắc điều này.”

Vậy thì vì sao lại đi xe buýt mini nếu nó nguy hiểm? Dễ thôi, một lái xe kỳ cựu họ Hồ nói. “Nó nhanh.”

Nó cũng thuận tiện nữa. Uber chưa chiếm ưu thế ở đây, và không như các phương tiện giao thông khác, xe buýt này là loại duy nhất có quy định lỏng lẻo, nên có thể chạy thẳng giữa 2 điểm đến, nếu cần thì đổi tuyến để tránh tắc nghẽn hoặc lấy thêm khách. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đã được định rõ theo tập tục nên, thay vì khi lên xe khách cho biết nơi đến, khách biết phải bắt xe nào là đúng hướng đi. Số chỗ ngồi là 16 và tất cả khách phải ngồi, một khi kín chỗ là xe chạy tốc lực đến khi người khách đầu tiên xuống xe, do vậy nếu chạy đường dài là rất nhanh.

Image copyrightOTHER

Không chỉ Hong Kong là có mạng lưới xe buýt mini không chính thống. Những hệ thống tương tự cũng có ở Manila, các xe jeep quân sự cũ, gọi là Jeepney, chạy khắp phố, trong khi taxi mini buýt nối các vùng rất xa ở Johannesburg và Cape Town tại Nam Phi. Ngay cả New York cũng có một mạng lưới xe jitney, gọi là “xe đô la”, kết nối các khoanh khu của người nhập cư. Nhưng trong gần hết các trường hợp này thì xe buýt mini tồn tại là để lấp sự thiếu hụt của mạng lưới giao thông công cộng. Chỉ ở Hong Kong nó mới cạnh tranh trực tiếp với một dàn xe buýt và tàu hỏa toàn diện như vậy.

Hệ thống này đã có từ 1967 khi mà Cách Mạng Văn Hóa từ Trung Quốc tràn sang. Những người kích động cánh tả định lật đổ chính quyền thuộc địa Anh, và Hong Kong bị tê liệt vì các cuộc phản đối, đình công và nổi loạn. Khi các lái xe của các công ty xe buýt chính đình công thì ‘taxi đi chung’ từ lâu phục vụ các vùng nông thôn mới bắt đầu phi pháp bắt khách ở vùng thành phố ở Kowloon và đảo Hong Kong. Chính quyền thuộc địa quyết định hợp pháp hóa dịch vụ bổ sung này.

Ngày nay, chính quyền giao nhiệm vụ về số ghế ngồi và loại xe có thể được sử dụng làm xe buýt mini, chính thức gọi là “xe buýt nhẹ công cộng”. Ngoài ra, lái xe được tự do định tuyến đi và giá vé. Lái xe là người tự do có thể thuê xe theo ca (800 đô la Hong Kong/ngày) và họ sẽ được nhiều tiền nếu họ đi nhanh và lấy được tối đa khách.

Và họ có quyền riêng để trang trí xe. Một số lái xe có lọ cây trên kệ phía trước, một số khác dán các hình bằng nhựa và đồ chơi. Máy stereo thường chơi ca kịch Quảng Đông, tuy thế về đêm lái xe thích cái gì đó sinh động hơn, như nhạc techno.

Image copyrightOTHER

Có một nền văn hóa tách biệt ở các xe buýt mini. Phần lớn hành khách hô to điểm đỗ theo tên phố hay mốc địa danh (“cho xuống kho rác thải”), trong khi những người không quen đường thì, khi cần, dùng câu tiếng Quảng Đông yau lok nghĩa là “"cho tôi xuống”.

“Không những bạn phải hô thật to ngay giữa xe chật ních người mà khi hô xong là xe rẽ ngoặt vào hè đường một cách đáng sợ bất chấp xung quanh rồi phanh lê xe để dừng lại.” Nicholas Olczak, cư dân cũ ở Hong Kong, thường đi xe quanh thành phố, kể lại.

Quan hệ giữa chính quyền và xe buýt mini thường không êm thuận. Năm 1980, chính quyền bắt đầu cấp chứng chỉ cho xe buýt mini ‘xanh’. Nó có tuyến, điểm đỗ và giá vé quy định, nghĩa là nó đi chậm hơn, lái xe hưởng lương vì vậy không vội vàng gì phải đi hết tuyến thật nhanh. “Bộ giao thông đang cố gắng chuyển tất cả các xe buýt đỏ thành xe buýt xanh ở những tuyến mới có thể có lãi,” Hung Wing-tat, một chuyên gia giao thông và giáo sư trợ lý Đại Học Bách Khoa Hong Kong, nói.

Image copyrightOTHER

Xe buýt mini có rắc rối không chỉ vì tỷ lệ tai nạn cao. Hành khách thường than phiền lái xe tăng giá vào những tối đặc biệt đông. Ở khu như Mongkok, các xe buýt mini chờ khách chiếm cả phố, mức NO2 và các loại ô nhiễm khác tăng vọt. Các tổ chức kiểu mafia, hội tam hoàng, cũng chen vào ngành này, trấn lột phí bảo kê. Năm 2010, cảnh sát đã đàn áp một vụ tống tiền của hội này mà chúng kiểm soát 3 tuyến buýt mini và đút túi 14 triệu đô la Hong Kong mỗi năm về tiền bảo kê.

Mặc dù có những khó khăn đó, Hung nói rằng chính quyền không muốn thay đổi hiện trạng vì xe buýt đỏ là hữu ích trong việc giải quyết hết những nhu cầu tăng thêm đối với giao thông công cộng khi đông khách, như khi có lễ hội. Nhưng buýt mini không thể làm được gì nhiều với MTR (tàu điện ngầm) hiện đang xây mới các tuyến và cạnh tranh trực tiếp với các tuyến được ưa thích nhất của buýt mini.

Vào tháng Sáu, Cheung Hon-wah, chủ tịch Hội Chủ và Lái Xe Buýt Mini Công Cộng Hong Kong, gọi xe buýt mini là “công nghiệp tranh tối tranh sáng” sẽ dần biến mất. Một tuyến MTR mới đi về phía Tây đảo Hồng Kông đã ngốn dần khách đi xe, và nhiều tuyến đang được xây dựng ở các khu như thành phố Kowloon, là món béo bở của nhiều dịch vụ buýt mini. Chính quyền dự tính khoảng 337.500 người dùng xe buýt mini hàng ngày, nhưng vì bản chất không chính thống của công nghiệp này nên khó có thể biết con số này đang tăng hay giảm.

Những dấu hiệu khác cho thấy tương lai của xe buýt mini đỏ là khó khăn. Báo South China Morning Post cho biết tháng Sáu giá một giấy phép đăng ký xe buýt mini đã giảm từ 7.5 triệu đô la Hong Kong năm 2013 xuống 4.8 triệu đô la Hong Kong vào lúc này, một chỉ dấu là ngành này đã ít lãi hơn.

Image copyrightOTHER

Ông Hồ, tài xế buýt mini, không tin vào phỏng đoán ảm đạm đó. “Tôi đã lái đủ loại (taxi, buýt mini xanh) và thấy có rất nhiều quy luật,” ông nói. “Bạn làm cho một ông chủ và luôn cảm thấy bị bắt chẹt. Với chúng tôi, lái xe buýt mini đỏ, nếu tuyến này không còn tốt thì chúng tôi sang tuyến khác, chúng tôi tự do làm điều mình muốn.”

Dù có xảy ra điều gì, người lái xe không đơn giản chấp nhận ngay. Khi cảnh sát ghi biên lai phạt một lái xe buýt mini ở Mongkok mùa hè năm trước, hàng chục lái xe đã chăn một đại lộ chính để đáp lại, gây 2 tiếng ngừng trệ cho cảnh sát. Các lái xe kêu thiếu các bến thích hợp cho xe buýt nên họ phải vi phạm luật giao thông, và thế là chính quyền phải đề nghị xây dựng các bến mới rộng ở Mongkok, nơi mà phần lớn xe buýt mini đỏ đỗ.

Thậm chí có thể đang có cả những thay đổi lớn hơn. Trong khi MTR có những tuyến mới và việc đi xe hơi tiếp tục giảm, buýt mini có thể đã ít dần. Nhưng ít nhất một đề nghị cũng có thể cứu vãn ngành này. Lái xe và chủ xe buýt mini đã từ lâu vận động hành lang chính quyền để cho phép dùng các xe 20 ghế hoặc nhiều hơn, các chủ xe nói có thể tăng doanh số lên 10-20%.

Và các chủ xe có thể cần số tiền thêm này, Uber ngày càng được ưa thích và cạnh tranh với taxi, nhưng buýt mini đỏ có giá vé rẻ hơn tùy theo tuyến. Liệu nền kinh tế chia sẽ có làm đảo lộn cách thức đi lại của người Hong Kong (ngay cả khi họ say rượu và tìm phương tiện nhanh nhất và rẻ nhất) hay không?

Có thể lắm. Nhưng lúc này, buýt mini đỏ đang tiếp tục chạy như từ trước tới nay, và chạy hết tốc lực.

Theo BBC autos