Thị trường ô tô Việt Nam: Xu thế chuyển dịch
Những điều chỉnh của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt cùng với lộ trình giảm thuế theo cam kết quốc tế đã và đang có tác động mạnh mẽ, rõ nét đến thị trường ô tô Việt Nam. Theo đó, lượng xe NK từ các nước trong khu vực ASEAN đang ngày một tăng, hướng đầu tư sản xuất trong nước của các doanh nghiệp cũng ngày một rõ nét.
Xe NK từ Thái Lan, Indonesia lên ngôi
Số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản trở thành nước dẫn đầu lượng ô tô XK vào Việt Nam với tổng số 15.117 xe (tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2015), đạt kim ngạch 276,5 triệu USD. Số liệu cập nhật hơn của 7 tháng qua vẫn cho thấy, Thái Lan đang đứng đầu trong việc XK ô tô vào Việt Nam (18.840 xe, tăng 55,4%), trong đó nổi lên là phân khúc xe tải, xe bán tải (14.250 xe, chiếm 75,6%).
Bên cạnh Thái Lan, Indonesia cũng đang là thị trường có lượng xe ô tô XK vào Việt Nam tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2016, có 1.304 xe ô tô nguyên chiếc NK từ thị trường Indonesia với kim ngạch đạt 16,8 triệu USD.
Một điểm đáng lưu ý đó là trị giá xe NK từ 2 thị trường trong khu vực này khá thấp. Với kim ngạch 276,5 triệu USD cho 15.177 xe, tính bình quân, mỗi xe Thái Lan có giá chỉ khoảng 18.290 USD (thấp hơn nhiều so với mức 40.483 USD của Nhật Bản và Trung Quốc là 39.163 USD).
Cũng tương tự như vậy với lượng NK khoảng 1.304 chiếc có giá trị 16,8 triệu USD, bình quân giá mỗi xe Indonesia khi nhập về cảng tại Việt Nam chỉ 12.880 USD - tương ứng 287 triệu đồng - thấp nhất trong số các quốc gia XK xe vào Việt Nam
Lựa chọn NK từ các nước trong khu vực là thực tế đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô. Đơn cử từ Công ty Ford Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam với số lượng đạt 16.320 chiếc trong 7 tháng qua, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mẫu xe đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trường của Ford Việt Nam là chiếc bán tải Ranger. 7 tháng, lượng xe Ranger bán ra đạt 8.124 chiếc, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Mẫu xe này được NK nguyên chiếc từ Thái Lan.
Với các doanh nghiệp khác như Toyota, GM, Nissan, Isuzu Mitsubishi… cũng đều lựa chọn các dòng xe bán tải từ Thái Lan để NK vào Việt Nam như: Toyota Hilux, Nissan Navara, Chevrolet Colorado, Mazda BT50, Isuzu D-Max, Mitsubishi Triton…
Xu thế tất yếu
Lý giải việc lựa chọn thị trường Thái Lan để NK sản phẩm, đại diện Ford Việt Nam cho biết: Ngoài lý do Thái Lan đang là trung tâm sản xuất xe bán tải trong khu vực ASEAN thì thuế thấp là nguyên nhân quan trọng. Với việc tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN, hiện nay thuế suất AFTA (đối với ô tô nguyên chiếc) là thấp nhất so với các Hiệp định song phương và đa phương và Việt Nam đã tham gia và ký kết.
Đó là chưa nói đến cộng đồng chung ASEAN cũng đang phát triển cơ chế một cửa ASEAN để các nước có thể sử dụng một hệ thống hải quan chung mà không cần phải in ấn và lưu trữ nhiều giấy tờ, chứng từ. Hơn nữa, Việt Nam được mệnh danh là trung tâm ASEAN nên việc vận chuyển từ các nước trong khu vực rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí.
Cũng giống như Ford, các doanh nghiệp lựa chọn NK sản phẩm ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực, đặt biệt là Thái Lan và Indonesia bởi nhiều lợi thế đến từ các nước này.
Thứ nhất, Thái Lan hiện đang là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất trong khu vực ASEAN, đặc biệt là xe tải và xe bán tải.
Cùng với Thái Lan, ngành công nghiệp ô tô của Indonesia cũng đang phát triển nhanh chóng. Chính phủ Indonesia đang có nhiều chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô với định hướng trở thành công xưởng sản xuất và XK của thế giới. Với chính sách thuế phí mà Chính phủ Indonesia đang áp dụng, giá xe cùng loại tại Indonesia rẻ hơn một nửa so với Việt Nam.
Không chỉ có giá thành sản xuất thấp, theo cam kết lộ trình gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), thuế NK ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN đã và đang giảm nhanh. Năm 2016, thuế NK xe từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% xuống 40% (theo lộ trình đến 2018 mức thuế NK đối với ô tô sẽ là 0%). Dự báo đến năm 2018, khi thuế suất NK xe từ khu vực ASEAN về 0%, sẽ có lượng xe giá rẻ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam với giá giảm ít nhất khoảng 40%.
Thứ hai, hiện thuế NK các dòng xe bán tải từ thị trường các nước khu vực ASEAN, cụ thể là thị trường Thái Lan và Indonesia chỉ vào khoảng 5%. Điều này khiến xe bán tải giá thấp lại càng thấp. Cũng liên quan đến thuế, từ 1-7, Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1.5L sẽ giảm từ 45% xuống 40% (35% trong năm 2017). Dòng xe có dung tích từ 1,5L đến 2.0L giảm về 40%. Như vậy các dòng xe nhỏ, dung tích động cơ dưới 2.0L (vốn đang được phát triển mạnh ở Thái Lan và Indonesia) cũng được hưởng lợi thêm từ việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt này.
Sau Thái Lan, Indonesia là Việt Nam?
Huyndai Thành Công hiện đang là một trong những nhà NK ô tô lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên doanh nghiệp này đang bộc lộ rất rõ xu thế đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Với nhà máy có công suất 40.000 xe/năm tại Ninh Bình, hiện Hyundai Thành Công đang lắp ráp 2 mẫu xe du lịch là Santafe, Elantra và 1 mẫu xe tải là Hyundai Porter.
Tiết lộ với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Ngọc Đức- Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho biết: Cuối năm nay mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam, hiện đang được NK nguyên chiếc từ Ấn Độ, mẫu Hyundai Grand i10, sẽ được lắp ráp tại Việt Nam.
Như vậy, Grand i10 sẽ là mẫu xe mở đầu, hiện thực hóa chiến lược của Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trong khu vực với việc lựa chọn Việt Nam là trung tâm. Theo thông tin phóng viên nắm được, Hyundai Thành Công đã đạt được những thoả thuận ban đầu và hoàn tất những bước quan trọng trong việc hợp tác với Hyundai để đầu tư sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp xe Hyundai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, việc đầu tư thêm nhà máy để lắp ráp Grand i10 và một số mẫu xe khác của Hyundai tại Việt Nam không chỉ để cung cấp thị trường nội địa mà còn xuất khẩu tới các nước trong khu vực.
Và lựa chọn để đầu tư sản xuất của Huyndai Thành Công là dòng xe nhỏ, thông dụng có mức giá, thuế thấp, được Chính phủ khuyến khích phát triển như Elantra, Grand i10…
Không chỉ Hyundai Thành Công, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam là Công ty ô tô Trường Hải cũng đang có những bước đi rất rõ nét nhằm chuẩn bị cho tiến trình hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018. Chiến lược của Thaco là phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, lấy sản xuất và kinh doanh ô tô làm chủ đạo và trở thành doanh nghiệp Việt Nam có vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Theo đó, mới đây dự án mở rộng KCN cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải trên diện tích 210ha, với số vốn 749 tỷ đồng đã được Trường Hải triển khai. Dự án gồm: Nhà máy sản xuất ô tô Mazda với công suất 100.000 xe/năm và một số ngành công nghiệp cơ khí ô tô phụ trợ với 24 nhà máy, cảng biển, kho bãi.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Thaco đã đầu tư 28.000 tỷ đồng vào Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, bao gồm các nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô thương mại của các nhãn hiệu Kia, Huyndai, Mazda và Peugeot. Cùng với việc vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, lựa chọn của Thaco là phát triển tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ để cung ứng linh kiện cho các nhà máy lắp ráp ô tô bán ra thị trường nội địa và tham gia XK.
Hay như Mercedes-Benz cũng đã chính thức tham gia lắp ráp sản xuất xe tải và xe buýt ở Việt Nam với việc đầu tư 10 triệu USD để xây dựng nhà máy dành riêng cho việc lắp ráp và sản xuất xe thương mại mang thương hiệu Fuso. Liên doanh này cũng đầu tư 11 triệu Euro để lắp ráp 2 mẫu xe chủ lực đang bán chạy trong nước là mẫu sedan E-Class và mẫu SUV GLC
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô được Thủ tướng phê duyệt đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng. Theo mục tiêu này các doanh nghiệp đã và đang có sự chuyển dịch đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Có thể thấy với các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần vươn lên vị trí top đầu trong khu vực về sản xuất ô tô.
Theo thông tin phóng viên nắm được, Hyundai Thành Công đã đạt được những thoả thuận ban đầu và hoàn tất những bước quan trọng trong việc hợp tác với Hyundai để đầu tư sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp xe Hyundai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, việc đầu tư thêm nhà máy để lắp ráp Grand i10 và một số mẫu xe khác của Hyundai tại Việt Nam không chỉ để cung cấp thị trường nội địa mà còn XK tới các nước trong khu vực.
Theo Nguyễn Hà
Hải quan Online